Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Các nhà máy và văn phòng đóng cửa. Hàng loạt chuyến bay bị hủy, các cuộc hội thảo phải hoãn lại và các trận thi đấu thể thao bị dời lịch. Chúng ta vẫn chưa chứng kiến hết mức độ tàn phá của virus corona đối với kinh tế toàn cầu. Nhưng có 1 điều gần như chắc chắn là kinh tế thế giới sẽ có một cú lao dốc mạnh. Và điều đó đưa đến một câu hỏi thực sự quan trọng: các chính phủ và NHTW các nước nên phản ứng như thế nào?

Những phản ứng về mặt y tế đã được triển khai quyết liệt. Nhiều vùng bị phong tỏa. Người nhiễm bệnh và nghi nhiễm được cách ly. Biên giới đóng cửa nếu cần thiết. Các trung tâm điều trị, bệnh viện dã chiến được dựng lên nhanh chóng để tiếp nhận lượng bệnh nhân khổng lồ. Các biện pháp này có hiệu quả hay không thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời, nhưng chí ít thì kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng.

Thế còn phản ứng từ chính sách kinh tế thì sao? Đáng tiếc là đến nay câu trả lời vẫn khá mơ hồ. Cho đến nay có lẽ rõ ràng nhất chính là cú hạ lãi suất khẩn cấp mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra đêm hôm qua theo giờ Việt Nam. Nhưng cú “lao dốc không phanh” của chứng khoán toàn cầu trong tuần trước đã cho thấy virus corona có thể gây ra những hậu quả nặng nề như thế nào. Có lẽ giữa các nền kinh tế lớn nên có một sự phối hợp chặt chẽ để phản ứng hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Đầu tiên, cần phục hồi lực cầu, mà động thái vừa qua của Fed – rất có thể sẽ kích hoạt làn sóng giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ trên toàn thế giới – chính là để nhằm tới mục đích này. Thậm chí trong vài tuần tới các nước có thể tung ra cả những gói nới lỏng định lượng như Fed đã làm để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng 2008. Nhưng chúng ta cần đi xa hơn thế. Hong Kong hiện đã dẫn đầu với ngân sách khẩn cấp trong đó có chính sách phát cho mỗi người dân 1.300 USD tiền mặt để giảm bớt khó khăn do kinh tế suy giảm vì dịch Covid-19. Nếu cần đến “tiền trực thăng” – tức in thêm tiền và phát không cho dân – thì đây chính là lúc dùng đến chính sách này.

Sau đó các chính phủ cần tăng chi tiêu công. Kể cả trước khi có dịch bệnh thì một số nước như Anh, Đức và phần còn lại của eurozone cũng đã được cho là nên làm như vậy, và giờ đây là động thái cần thiết hơn bao giờ hết. Hệ thống y tế cần đến nguồn lực khổng lồ để đối mặt với khối lượng công việc phát sinh. Các công ty cần giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động nếu như các nhà máy ở Trung Quốc hay các nơi khác vẫn tiếp tục đóng cửa. Lãi suất đi vay đang quá rẻ và sẽ là “điên rồ” nếu không sử dụng số tiền đó để chống lại khủng hoảng.

Cuối cùng, các NHTW cần phải hỗ trợ hệ thống tài chính. Khi nền kinh tế suy giảm, áp lực luôn xuất hiện. Các công ty bảo hiểm sẽ gặp rắc rối nếu không chuẩn bị cho dịch bệnh ở quy mô lớn như vậy. Tương tự, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi các nhà máy và văn phòng trên khắp thế giới đóng cửa hay thậm chí là nhiều thành phố bị phong tỏa nhiều tuần.

Tất nhiên các nước đồng lòng phối hợp là điều không hề dễ dàng. Nhiều khả năng chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy những phản ứng rời rạc, một vài lần Fed hạ lãi suất kéo theo gói nới lỏng định lượng quy mô nhỏ từ NHTW châu Âu. Nhưng rõ ràng những thiệt hại mà virus corona gây ra khiến việc này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Để lại bình luận